Đổ mồ hôi giúp cho cơ thể không bị nóng quá mức. Chúng được ví von là một chiếc “điều hoà” tự nhiên của cơ thể. Việc không đổ mồ hôi sẽ kéo theo rất nhiều nguy cơ về bệnh tật như nhiễm trùng, đột quỵ và sỏi thận. Tuy nhiên, việc đổ mồ hôi quá nhiều và bất thường là nỗi phiền toái cho nhiều người. Nhất là đối với những bạn trẻ đang độ tuổi vị thành niên. Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những điều cần biết khi bị đổ mồ hôi bất thường.
Nội dung chính
Nguyên nhân dẫn đến đổ mồ hôi bất thường
Đổ mồ hôi là cơ chế tự làm mát của cơ thể. Hệ thần kinh của chúng ta tự động kích hoạt các tuyến mồ hôi khi nhiệt độ cơ thể tăng lên. Đổ mồ hôi tay cũng hay thường xảy ra, đặc biệt khi chúng ta lo lắng.
Tăng tiết mồ hôi
Tăng tiết mồ hôi là tình trạng đổ mồ hôi quá nhiều ở các khu vực bàn tay, nách, chân, vùng bẹn,… Nếu không bắt nguồn từ các hoạt động mạnh như tập thể dục hay ở nơi có nhiệt độ cao được gọi là chứng cường giao cảm không rõ nguyên nhân. Hiện tượng này thường xuất hiện ở những bệnh nhân trẻ và khởi phát trong độ tuổi dậy thì.
Theo thời gian, tình trạng này có thể được cải thiện. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sẽ sống chung đến suốt đời. Nguyên nhân chính được xác định là do hệ thống thần kinh bên trong cơ thể bị kích thích quá mức. Từ đó, khiến hệ phản xạ của người bệnh không thể tự điều chỉnh được. Nếu trong gia đình bạn có người bị tăng tiết mồ hôi do rối loạn thần kinh giao cảm thì tỷ lệ mắc bệnh của bạn là 28%.
Những người trong độ tuổi từ 40 tuổi trở lên cũng sẽ gặp phải hiện tượng cơ thể tiết ra quá nhiều mồ hôi. Tuy nhiên, hiện tượng này lại là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý hoàn toàn khác. Một số bệnh thường gặp là béo phì, cường giáp, viêm khớp; hoặc gút, rối loạn tiền mãn kinh, rối loạn tiền sinh dục ở nam; hay ung thư, bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh lao.
Các vấn đề về tuyến giáp

Đổ mồ hôi liên tục có thể là dấu hiệu của chứng cường tuyến giáp hay tuyến giáp hoạt động quá mức. Tuyến giáp sản sinh ra một loại hoóc môn kiểm soát tốc độ cơ thể sử dụng năng lượng dự trữ cũng như độ nhạy cảm của nó trước các hoóc môn khác. Khi quá nhiều hoóc môn tuyến giáp được sản sinh ra, hiện tượng này có thể gây đổ mồ hôi liên tục bằng cách kích thích các tuyến mồ hôi.
Rối loạn hormone
Những người đàn ông đổ mồ hôi vào ban đêm, ngay cả khi thời tiết không quá ấm nóng, có thể đang sở hữu lượng testosterone thấp. Khi lượng testosterone trong cơ thể thấp, khu vực dưới đồi (hypothalamus) – vùng não điều khiển nhiều chức năng, bao gồm cả thân nhiệt và áp huyết, sẽ nhận các tín hiệu giả tạo rằng cơ thể bị quá nóng, dẫn đến hiện tượng toát mồ hôi như một cách làm mát cơ thể. Testosterone cũng vô cùng cần thiết cho sự chắc khỏe của cơ và xương. Do đó những người có lượng hormone này thấp có thể cảm thấy yếu và ngủ lịm bất thường.
Sử dụng thuốc

Đổ mồ hôi có thể là một tác dụng phụ của việc dùng thuốc chống trầm cảm. Điều này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Nhưng đa số người bệnh dùng loại thuốc này thường tăng toát mồ hôi về đêm. Một số loại dược phẩm khác cũng gây đổ mồ hôi là thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chữa khô miệng, cảm lạnh và cảm cúm, viên sắt và thuốc kháng sinh. Ngưng sử dụng thuốc giảm đau mạnh đôi khi cũng có thể gây đổ mồ hôi.
Đau tim
Đổ mồ hôi và cảm thấy chóng mặt, muốn ngất xỉu có thể là dấu hiệu cảnh báo của một cơn đau tim. Đau ngực có thể xuất hiện trước hoặc các triệu chứng trên có thể đến ngay sau khi tập luyện thể dục thể thao. Các dấu hiệu khác bao gồm cả quặn thắt, đau ngực lan dần tới quai hàm, cổ, cánh tay và lưng.
Đổ mồ hôi theo cách này là một phần của phản ứng phế vị – mạch, gây sụt giảm nhịp tim và áp huyết đột ngột. Phản ứng như vậy cũng có thể xuất hiện ở những người đang vô cùng đau đớn, bị chảy máu não hoặc viêm ruột thừa cấp.
Triệu chứng

Hầu hết mọi người đổ mồ hôi khi luyện tập và gắng sức. Trong môi trường nóng nực, hoặc lo lắng, căng thẳng cũng gây ra đổ mồ hôi. Tuy nhiên, lượng mồ hôi do tăng tiết mồ hôi hơn xa so với mức bình thường.
Tăng tiết mồ hôi thường ảnh hưởng đến tay, chân, nách hoặc mặt gây ra ít nhất một đợt/tuần, trong lúc thức và thường xảy ra ở cả hai bên cơ thể.
Khi nào nên đi gặp bác sĩ?

Hãy nhớ rằng, đôi khi tăng tiết quá nhiều là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng. Hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu cơ thể bạn bị đổ mồ hôi quá mức. Đi cùng với các triệu chứng như chóng mặt (hoặc đầu óc quay cuồng), đau ngực, buồn nôn…
Hãy đến khám bác sĩ nếu:
- Đổ mồ hôi gây gián đoạn các hoạt động thường ngày
- Đổ mồ hôi gây nên trạng thái cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng tới hoạt động xã hội
- Đột nhiên cơ thể đổ mồ hôi nhiều hơn so với thường ngày
- Cơ thể bỗng dưng đổ mồ hôi trộm mà không rõ lý do
Mồ hôi đổ nhiều bất thường không liên quan đến nhiệt độ hoặc các hoạt động thể chất. Đừng chủ quan khi không hoạt động mà vẫn đổ mồ hôi nhiều. Vì đó có thể là dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe.